TRẺ CÓ NHU CẦU GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT
Lượt xem: 2418
Giáo dục cho mọi người vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ mà UNESCO kêu gọi và hành động trong nhiều thập kỉ qua. Tất cả mọi người, trong đó bao gồm cả trẻ em có nhu cầu đặc biệt đều có cơ hội tìm hiểu và hưởng lợi từ giáo dục cơ bản – giáo dục là quyền của con người.

TRẺ NHU CẦU GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT

 

 

1. Khái niệm trẻ nhu cầu đặc biệt.

Giáo dục cho mọi người vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ mà UNESCO kêu gọi và hành động trong nhiều thập kỉ qua. Tất cả mọi người, trong đó bao gồm cả trẻ em có nhu cầu đặc biệt đều có cơ hội tìm hiểu và hưởng lợi từ giáo dục cơ bản – giáo dục là quyền của con người.

Thuật ngữ “trẻ có nhu cầu đặc biệt” là một thuật ngữ tương đối mới ở Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có định nghĩa chính thức.

Trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em được thông qua ngày 15/6/2004 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2005 có sử dụng thuật ngữ “trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Trong đó, quan niệm “trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm: trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật; trẻ em nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em vi phạm pháp luật”.

Khái niệm trẻ nhu cầu đặc biệt cũng thể hiểu trẻ khiếm khuyết hoặc gặp nhiều khó khăn trong học tập hơn so với hầu hết các trẻ khác cùng độ tuổi. Hoặc trẻ có nhu cầu đặc biệt có thể bao gồm các đối tượng là trẻ khuyết tật, trẻ tài năng, trẻ có nguy cơ bỏ học và trẻ có khó khăn do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, các nhóm trẻ này đều cần nhận được sự hỗ trợ của các chương trình dịch vụ giáo dục đặc biệt.


Nhìn chung, để xác định trẻ có nhu cầu đặc biệt cần căn cứ vào các yếu tố: đặc điểm trí tuệ, khả năng giác quan, khả năng ngôn ngữ - giao tiếp, đặc điểm hành vi – cảm xúc, đặc điểm cơ thể, và yếu tố môi trường – hoàn cảnh sống.

Trong tài liệu này, khái niệm trẻ có nhu cầu đặc biệt được sử dụng như sau: “Trẻ có nhu cầu đặc biệt là những trẻ mà khi những khác biệt hoặc khiếm khuyết của chúng xuất hiện ở mức độ và những hoạt động nhà trường phải được thay đổi để đáp ứng nhu cầu của trẻ” (theo các tác giả Kirk, Gallagher và Anastasiow, 1997).

Đôi khi, thuật ngữ “trẻ có nhu cầu đặc biệt” còn được thay thế bằng thuật ngữ “trẻ đặc biệt” hoặc “trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt”.

Cho dù dùng thuật ngữ nào thì bản chất khuyết tật là những tổn thương thực thể hoặc sự suy giảm chức năng của cơ thể dẫn đến những hậu quả không tránh khỏi làm ảnh hưởng đến hoạt động của cá thể.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, UNESCO đã định nghĩa: khuyết tật là hiện tượng đa chiều gây ra do tác động qua lại giữa con người và môi trường.

Theo quan điểm hiện đại, môi trường là một trong những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến khuyết tật ở con người. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nêu: Phân loại khuyết tật không phải là phân loại con người, mà là phân loại những đặc điểm sức khoẻ cùng với những hạn chế trong hoạt động của cá thể trong môi trường sống của họ.

Phân loại khuyết tật căn cứ vào 3 yếu tố cơ bản:

 

1)        Những thiếu hụt về cấu trúc cơ thể hoặc sự suy giảm các chức năng.

 

2)        Những hạn chế trong hoạt động của cá thể do khuyết tật gây nên.

 

3)        Môi trường sống có điều kiện thuận lợi hay tạo ra những rào cản làm ảnh hưởng đến sự tham gia đầy đủ và có hiệu qủa các hoạt động của người khuyết tật.

Chính những quan điểm hiện đại đó đã làm thay đổi cách cư xử của cộng đồng với người khuyết tật đồng thời tạo cho họ những cơ hội để có thể phát triển hết khả năng của mình.

Luật Người khuyết tật (2010) định nghĩa: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Có nhiều các phân chia và gọi tên các dạng khuyết tật. Trong tài liệu này sử dụng thống nhất cách phân loại được quy định theo Luật Người khuyết tật (2010) và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

1.         Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.

2.         Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.

3.         Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.

4.         Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.

5.         Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

6.         Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp trên. Có

 

nhiều nhóm khuyết tật khác nhau thuộc dạng khuyết tật khác. Một số dạng tật được nhắc đến trong tài liệu này bao gồm: rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập đặc thù, tăng động – giảm tập trung, đa tật,…

Mức độ khuyết tật

 

1.         Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

2.         Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.

3.         Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc các trường hợp trên.

 

 

 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Cơ quan chủ quản: Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Sơn La
Địa chỉ:Số ....Đường Nguyễn Văn Linh, tổ 7, Phường Tô Hiệu, TP. Sơn La, Sơn La
Điện thoại: 
 Chung nhan Tin Nhiem Mang